Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Lai Vu - Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Lai Vu



GIỚI THIỆU TỔNG QUAN XÃ LAI VU

I. Giới thiệu chung.

*)Vị trí địa lý: Xã Lai Vu nằm về phía Tây huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

-Phía Bắc giáp xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách.

-Phía Nam giáp xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà.

-Phía Tây giáp phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương.

-Phía Đông giáp xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành.

Xã có tuyến quốc lộ 5A và tuyến đư­ờng sắt Hải Hà chạy qua, xã được bao bọc bởi sông Kinh Thầy và sông Rạng ở 3 phía phía Bắc, Tây, Nam thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phư­ơng. 

Diện tích tự nhiên: 502,11 ha.

Dân số: 6.203 người(năm 2023).

​*) Lịch sử hình thành.

Lai Vu xa xưa có tên gọi là Bồng Lai Trang, là một vùng quê chiêm trũng do sông Kinh Thầy và sông Rạng bồi đắp lên từ ngàn năm về trước. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử và sự ưu ái của thiên nhiên, Lai Vu ngày càng phát triển và hội tụ nhiều dòng họ như: họ Bùi, họ Lê, họ Nguyễn, họ Tăng... đến sinh sống và đã tạo dựng hình thành lên một làng quê trù phú. Ngay từ thời kỳ mở đất lập trại, xây dựng cộng đồng, người dân Lai Vu đã sớm khẳng định để tạo nên một nền văn hóa Việt. Dưới thời Pháp thuộc, tổng Lai Vu là một trong 6 tổng của huyện Kim Thành thuộc phủ Kiến Thụy. Tổng Lai Vu có 09 làng gồm Lai Vu, Lai Khê, Tường Vu, Thanh Liên, Làng Giống, Vũ Xá, Thắng Yên, Bộ Hổ.

Sau cách mạng tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Lai Vu được chia tách và thành lập làng xã mới là xã Lai Vu và thường được gọi là làng Lai gồm 4 xóm: xóm Trong Làng, xóm Cầu Thông, xóm Đống Bánh và xóm Trại.

Thời kỳ cải cách ruộng đất xã Lai Vu đổi tên thành xã Kim Thanh và thành lập 11 xóm lấy chữ Lai làm đầu là: Lai Tĩnh, Lai Minh, Lai Chiến, Lai Thắng, Lai Tân, Lai Quang, Lai Thành, Lai Thịnh, Lai Bình, Lai Hòa, Lai Tiến. Tháng 7 năm 1956 tên xã Lai Thành chuyển lại là xã Lai Vu với 4 xóm như cũ (xóm Trong Làng, xóm Cầu Thông, xóm Đống Bánh và xóm Trại). Tháng 10 năm 1961 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, xã Lai Vu hợp nhất 5 Hợp tác xã Nông nghiệp nhỏ thành 3 Hợp tác xã Nông nghiệp là: Hợp tác xã Hợp Nhất, Hợp tác xã Quyết Tâm, Hợp tác xã Minh Thành và tên của 3 Hợp tác xã Nông nghiệp nay cũng là tên của 3 thôn bây giờ.

*Phát triển kinh tế- xã hội.

Là một xã thuần nông từ Nông nghiệp chuyển dần sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt Khu công nghiệp Lai Vu đi vào hoạt động thu hút hàng nghìn công nhân trong và ngoài tỉnh, tạo thuận lợi cho Lai Vu phát triển về kinh tế, giao lưu văn hoá xã hội.

Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên có con sông Kinh Thầy, sông Rạng và đường sắt Hà Hải, quốc lộ 5A chạy qua thuận lợi việc giao thương hàng hóa, phát triển dịch vụ bến bãi, sản xuất kinh doanh...

          Lực lượng lao động của xã cũng khá dồi dào với gần 4.000 lao động, trong đó trên 1.000 lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển khá mạnh với đa dạng các ngành nghề như: vận tải, cơ khí, mộc, nề, may mặc, kinh doanh tạp hóa, thức ăn chăn nuôi, buôn bán nhỏ …

Kể từ khi xã Lai Vu được thành lập cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ một xã nghèo, thuần nông, ngày nay xã Lai Vu đã có một diện mạo mới. Đảng bộ xã hiện có 184 đảng viên, sinh hoạt ở 08 chi bộ (03 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ Dân quân cơ động và 01 Chi bộ Công an xã).Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của địa phương đều tăng từ 10%-12%/ năm, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã được bê tông hoá 100. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Xã đã đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc, Nhà văn hoá xã và 03 thôn, Trạm y tế, Nghĩa trang liệt sỹ, Trường học khang trang, sạch đẹp. Trường Trung học cơ sở, Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế năm 2013 và đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chí mới năm 2018, 3/3 thôn đạt danh hiệu Làng văn hoá, 3/3 làng đạt Làng an toàn về ANTT.

*Văn hóa:

Nhân dân Lai Vu đại đa số là người Kinh theo đạo Phật, di tích văn hóa gồm Đình, Chùa, Nghè và Miếu. Đình Lai Vu thường được gọi là Đình Tổng, to nhất vùng và có kiến trúc độc đáo tinh xảo được xây dựng cách đây khoảng trên dưới 300 năm. Đình thờ Thành Hoàng Làng được nhân dân suy tôn và được triều Đại sắc phong.

Cây đa, giếng nước, mái Đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam, sân Đình Lai Vu đã chứng kiến bao dịp lễ hội được tổ chức long trọng vào mùa xuân hàng năm. Dịp lễ hội, các dòng họ và nhân dân trong Làng dâng lễ vật, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng quê bình an, hưng thịnh.

Tuy nhiên, năm 1949 thực hiện lệnh triệt để tiêu thổ kháng chiến của chính phủ cách mạng, Đình Lai Vu được tiêu thổ không để cho Pháp sử dụng làm nơi đóng quân. Sau 34 năm đất nước hoà bình thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân xã Lai Vu, Đình làng Lai được khởi công xây dựng lại vào tháng 10 năm 2009 với số tiền công đức gần 3 tỷ đồng của nhân dân xã Lai Vu và con em sinh sống và công tác xa quê và quý khách thập phương. Cũng như Đình, Chùa Lai Vu cũng thuộc ngôi chùa lớn mang tên Hưng Phúc Tự với kiến trúc cổ mang đậm nền văn hóa làng quê Việt Nam và đạo Phật.

*) Truyền thống cách Mạng:

Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân Lai Vu bị áp bức bóc lột tận xương tủy, cuộc sống bần cùng, nhâm phẩm bị chà đạp, không có quyền tự do dân chủ. Không cam chịu nhân dân Lai Vu đã kiên cường đứng lên đấu tranh chống xâm lược và cường quyền bất công xã hội. Nhiều người dân Lai Vu đã tham gia phong trào Cần vương cứu nước, Tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học như cụ Hương Sư, Cụ Biểu, ông Huấn, ông Khiêm, ông Nhương ...dù chưa thành công nhưng nó đã bồi đắp lên truyền thống kiên cương bất khuất của nhân dân địa phương.

Ngày 03/2/1930, dưới sự khai sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng phát triển trong cả nước, lần lượt các tổ chức Đảng được thành lập. Từ tháng 02 đến tháng 6, ở Hải Dương đã thành lập được các chi bộ Đảng ở Mạo Khê, Trạo Hà( Đông Triều), Đọ Xá    (Chí Linh).Ở Kim Thành các phong trào đấu tranh dân chủ cũng dấy lên sôi nổi bằng nhiều hình thức như đọc sách báo tiến bộ, lập hội Ái Hữu.....

Tại xã Lai Vu, từ cuối năm 1947, đầu năm 1948 phong trào cách mạng của xã được khôi phục, khắp nơi trong toàn xã đâu đâu cũng dấy lên khí thế cách mạng với quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Trước yêu cầu của phong trào cách mạng tại địa phư​ơng, Huyện uỷ Kim Thành đã cử đồng chí Nguyễn Hồng Long về thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà để tổ chức thành lập chi bộ. Ngày 10/10/1948 tại nhà ông Tiêu Văn Hà, gồm có 05 đồng chí đảng viên, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập, gồm các đồng chí:

 1. Đ/c Tăng Đức Đào;

 2. Đ/c Bùi Khắc Thiêm;

 3. Đ/c Bùi Duy Thanh (tức Đẩu);

 4. Đ/c Bùi Hữu Ấp;

 5. Đ/c Tăng Tự Chư.

Đồng chí Tăng Đức Đào được chỉ định làm Bí thư chi bộ đầu tiên, chi bộ Đảng xã Lai Vu ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với địa phương nhà, đây là nhân tố quyết định để ​lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành thắng lợi.

Ngay sau khi chi bộ được thành lập, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các tổ chức chính trị xã hội của xã lần lượt được hình thành cùng với chi bộ lãnh đạo nhân dân kháng chiến và kiến Quốc.Cùng chung dòng chảy lịch sử hào hùng của đất nước, lịch sử quang vinh của Đảng ta, 72 năm qua, Đảng bộ xã Lai Vu trong quá trình thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng đã tôi luyện và tạo nên cho Đảng bộ một truyền thống quý báu - đó là tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, luôn tìm tòi thực hiện cách làm mới, tháo gỡ khó khăn trước thử thách trong thực tiễn.                  

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, trực tiếp là Uỷ ban kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Lai Vu cùng đồng bào, đồng chí cả nước khẩn trương chuẩn bị mọi mặt tích cực để bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược để bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, chi bộ Đảng xã Lai Vu đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, bám đất, bám làng, giữ vững phong trào, nuôi giấu, che chở cho cán bộ, một lòng sắc son theo Đảng, hàng trăm thanh niên đã lên đường tham gia quân đội, thanh niên xung phong, du kích chiến đấu chống thực dân. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nền độc lập tự do, độc lập dân tộc, quân và nhân dân Lai Vu đã anh dũng tổ chức đánh nhiều trận, chủ động tiến công địch trong chiến dịch “tiếng sấm đường 5”, bóc gỡ đường sắt, cắt phá đường dây tải điện cao thế, đường dây điện thoại, phối hợp với bộ đội Kim Thành đánh mìn ở cầu Lai lật đổ đoàn tầu gồm 10 toa vận tải súng đạn, xe bọc thép, xe tăng từ Hải Phòng lên chi viện cho Điện Biên Phủ. Ngày 02/5/1953, đánh bốt Cầu Thông tiêu diệt 27 tên lính. Tháng 10/1954, du kích xã phối hợp với bộ đội Kim Thành đánh mìn Cầu Sòi lật đổ 1 đầu tầu và 07 toa xe, diệt 1 Tiểu đoàn lính Âu Phi; phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ tích cực làm công tác địch vận lôi kéo gần 40 binh lính bỏ hàng ngũ về với cách mạng, huy động hàng ngàn ngày công, hàng vạn cây tre rào làng chiến đấu, chặn bước quân thù. Hơn 40 cán bộ, đảng viên trong thời kỳ kháng chiến vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên định, lập trường cách mạng, đồng cam cộng khổ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau làm tròn nhiệm vụ cách mạng; nhiều đồng chí bị địch thủ tiêu, cầm tù nhiều năm, một số đồng chí bị thương ốm đau “thập tử nhất sinh” được nhân dân đùm bọc, cứu chữa, lành vết thương và hăng hái tham gia hoạt động như đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Nguyễn Đình Hùng, một số đồng chí bị tù đầy đã vượt ngục về cơ quan hoạt động như đồng chí Bùi Hữu Tịnh hoặc tham gia vào bộ đội như đồng chí Bùi Khắc Tặng. Với những thành quả chiến tích to lớn ấy, quê hương chúng ta đã góp phần cùng cả nước làm lên “thiên niên sử vàng: Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân ở nước Việt Nam”.

Kháng chiến chống thực dân thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng đi lên xây dựng CNXH, nhưng niềm Nam lại bị đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam với khẩu hiệu “tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược”, chi bộ Đảng Lai Vu lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào trận chiến mới.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ mới của địa phương, ngày 15/8/1964 Huyện uỷ Kim Thành quyết định thành lập cho chi bộ Đảng xã Lai Vu Đảng bộ gồm 5 chi bộ trực thuộc với 53 đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân vừa lao động sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất vừa xây dựng CNXH, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với miền Nam. Các phong trào “thanh niên 3 sẵn sàng”, “phụ nữ 3 đảm đang”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được nhân dân thi đua, thực hiện với khẩu hiệu “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”.

Từ tháng 11/1965 đến tháng 12/1972, Đảng bộ, nhân dân Lai Vu đã trực tiếp đương đầu với 02 cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, địch đã đánh 135 trận, ném xuống địa bàn xã 39.899 quả bom các loại phá huỷ 10 đoạn đường 5, san bằng 200m đê, phá huỷ 2 cầu tạm, 2 sân kho, 32 ngôi nhà, làm chết và bị thương nhiều người.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, tội ác của Đế quốc Mỹ ngày càng chồng chất, ý chí căm thù, chiến đấu của quân và dân ngày càng cao. Lực lượng dân quân du kích xã phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi 1 máy bay F8U của Mỹ ngày 05/11/1965 và bắt sống giặc lái tại khu vực cầu Lai Vu, với khí thế sôi sục, lòng căm thù giặc, lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở các chiến trường B-C-K ngày càng nhiều, số còn lại ở hậu phương được thành lập thành các Trung đội trực chiến để bảo vệ các công trình trọng điểm, cầu, phà và các tuyến giao thông huyết mạch, tham gia đào phá bom, thu gom bom bi, bom nổ chậm để xử lý không để thiệt hại đến công trình, người dân.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc; Lai Vu có trên 1.000 người con lên đường nhập ngũ vào bộ đội, thanh niên xung phong, thanh niên hoả tuyến, đã có 112 đồng chí đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ, trong đó có 06 đồng chí trong UBHC xã được suy tôn liệt sỹ năm 2011 và 59 đồng chí là thương binh, 22 bệnh binh, có 25 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 09 trường hợp nhiễm chất độc da cam. Đảng bộ và nhân dân được nhà nước tặng 07 Huân chương, trong đó có 02 Huân chương chiến công, 02 Huân chương kháng chiến, 03 Huân chương lao động và nhiều cờ, bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh, của huyện; 210 cá nhân được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 143 người được tặng thưởng Huy chương kháng chiến và nhiều bằng khen các loại. Đặc biệt, tháng 9/1995, Đảng bộ và nhân dân Lai Vu được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019, hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao năm 2020.